Tại buổi công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2019 diễn ra ngày 9/1, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá thị trường nhà ở cả nước năm 2019 sụt giảm cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS năm 2019 nguồn cung căn hộ mất cân đối, quận trung tâm khan hiếm trong khi vùng ven dư thừa
Trong đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đô thị và nhà ở sụt giảm mạnh, đặc biệt là các quận nội thành.
Cụ thể, lượng cung cả năm đạt 107.284 sản phẩm, đạt 61,5% so với với năm 2018. Lượng giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, tương đương 64,7% so với năm 2018. Riêng tại Hà Nội, năm 2019 có 58 dự án với 26.809 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, giảm 3.019 sản phẩm.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguồn cung căn hộ chào bán đang mất cân đối giữa các vùng. Tại Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông... nguồn cung mới vượt xa nhu cầu sử dụng của khách hàng. Trong khi đó, tại các quận trung tâm, nguồn cung hạn chế bởi quỹ đất để phát triển dự án gần như không còn dù nhu cầu vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng việc tăng giá không được thị trường chấp nhận. Bằng chứng là hiện tượng đầu cơ sụt giảm, phân khúc có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ thấp (đặc biệt với những dự án đẩy giá với biên độ lớn). Ông cũng cho hay từ quý IV, với mức giá 25 triệu đồng/m2, khách hàng chỉ có thể mua được căn hộ ở những khu vùng ven như Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm. Tại các quận trung tâm, mức giá thấp nhất khoảng 30 triệu đồng/m2.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lấy ví dụ một số dự án trên trục đường Tố Hữu tăng giá từ 25 triệu đồng/m2 nay đẩy giá lên 27 - 30 triệu đồng/m2 sau khoảng 2 năm.
Tại TP HCM, có 47 dự án, tương đương 23.485 căn hộ đủ điều kiện bán hàng trong năm 2019. Tương tự thị trường Hà Nội, việc khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh khiến giá bán căn hộ chung cư tại TP HCM tăng mạnh, từ mức trung bình 29,7 triệu đồng/m2 năm 2018 lên 35,4 triệu đồng/m2 năm 2019.
“Khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển nguồn mà là do tạm thời ngưng phát triển do khâu rà soát, kiểm tra từ các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đính cho hay.
Theo lý giải của đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hệ lụy từ nguồn cung sụt giảm, giá bất động sản có chiều hướng tăng, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ. Tâm lý e ngại lo sợ từ các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật.
Trong khi đó nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước gần như không có để giúp họ kiểm chứng.
Khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính làm tăng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội, Tp.HCM.
Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển nguồn mà là do tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc tăng giá mạnh khó được thị trường chấp nhận thể hiện ở một số hiện tượng: Đầu cơ sụt giảm, phân khúc cao có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ thấp (đặc biệt là những dự án đẩy giá với biên độ lớn)….
Thị trường tiếp tục giảm tốc
Về thị trường nhà ở năm 2020, Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng lực cầu về đầu tư và mua sắm nhà ở sẽ tiếp tục được duy trì.
Lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng nguồn cung tại Hà Nội và TP HCM sẽ không suy giảm so với 2019 nhờ lượng hàng khá lớn chưa được tung ra thị trường từ các đại dự án. Tuy nhiên, số lượng dự án bất động sản đủ điều kiện bán được dự báo sẽ giảm mạnh bởi quá trình xem xét phê duyệt, cấp phép cho các dự án mới.
"Giá nhà ở có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhưng lực tăng sẽ không mạnh vì sự khan hiếm nguồn cung chỉ là tạm thời", ông nói.
Bên cạnh đó, mất cân đối cung cầu tiếp tục xuất hiện trong năm 2020, nguồn nhà ở có giá thấp và nhà ở xã hội tiếp tục khan hiếm.
Trong khi đầu tư đất nền vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư tại thị trường các địa phương mới phát triển.
Cũng theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, năm 2020, nguồn cung khan hiếm sẽ tao ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới bất động sản không thể trụ lại với nghề.
“Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc, nhưng thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường dất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển” – ông Đính cho biết thêm.